Chuyện kể 60 năm xây dựng Đại Lải

60 năm xây dựng đại lải

Là thanh niên xung phong (TNXP), nhưng họ không trực tiếp ra chiến trường phục vụ chiến đấu, mà ở lại hậu phương đảm nhận nhiệm vụ vô cùng khó khăn và cũng rất đỗi vẻ vang: Xây dựng công trình đại thủy nông hồ Đại Lải.

Cựu tnxp thăm lại Đại Lải Đảo Ngọc Resort sau 60 năm xây dựng

Thắng cảnh hồ Đại Lải đang vào mùa du lịch. Du khách đến với Đại Lải có cảm giác thư thái với gió hồ mát rượi và cây xanh ngập lối. Bên cạnh đó, những khách sạn, nhà hàng, nhà an dưỡng, trại sáng tác, khu vui chơi ngày càng phát triển. Để có hồ Đại Lải đẹp như hôm nay là nhờ công sức của hơn 1.200 TNXP xây dựng hồ Đại Lải hơn nửa thế kỷ trước.

Cách đây 60 năm, trong công cuộc khôi phục kinh tế sau chiến tranh ở miền Bắc, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc quyết định xây dựng công trình đại thủy nông hồ Đại Lải,nằm trên địa bàn xã Ngọc Thanh (Phúc Yên). Ngày 17/10/1959, tỉnh thành lập đơn vị TNXP và huy động hàng nghìn dân công tham gia xây dựng công trình.

Ông Lê Đức Thịnh, Trưởng Ban liên lạc TNXP xây dựng hồ Đại Lải là một trong những ngườicó mặt đầu tiên ở công trường. Ông Thịnh cho biết: “Ngày đầu, đơn vị có 600 người, thời điểm cao nhất lên tới gần 1.300 người, đảm nhiệm tất cả các khâu phá đá, nổ mìn, đổ bê tông… Công việc nặng nhọc, điều kiện sinh hoạt khó khăn, ở lán trại, nằm sàn nứa, chỗ ngồi ăn cơm mịt mù gió và cát… nhưng, khí thế thi đua lúc nào cũng hừng hực; kẻ cuốc, người đào, rồi gánh gồng, đẩy xe nhộn nhịp hòa với tiếng hát khiến cho công trường như ngày hội lớn, góp phần tăng năng suất lao động, công trình hoàn thành đúng tiến độ”.

Nay đã 90 tuổi, nhưng, ông Nguyễn Văn Tỵ ở thôn Đậu, xã Định Trung (VĩnhYên) vẫn không quên những ngày tháng tham gia xây dựng hồ Đại Lải. Ông Tỵnhớ lại: “Ngày ấy tuy khó khăn,vất vả, nhưng rất vui, ban ngày hăng say làm việc, ban đêm, chúng tôi chia thành từng nhóm thi hát văn nghệ, kể chuyện tiếu lâm, rồi tổ chức các lớp học văn hóa. Vui nhất là những ngày công trường có thao diễn đổ bê tông, gánh đất đá, đẩy xe cút kít, kè bờ đập hay gánh đất… Cả công trường rộn ràng tiếng loa tuyên truyền, cổ động; lãnh đạo Tỉnh Đoàn, Ban chỉ huy công trường đến động viên anh em. Đã có nhiều kiện tướng gánh đất, kiện tướng đẩy xe cút kít được tôn vinh trong những đợt thi đua đặc biệt này”.

Một trong những nữ kiện tướng gánh đất năm xưa, bà Nguyễn Thị An, ở xã Liên Mạc (Mê Linh, Hà Nội) nay đã 87 tuổi, nhưng trong trí nhớ của bà vẫn chưa quên những năm tháng hào hùng trên công trường. Ngày đó, cô gái Nguyễn Thị An đang ở tuổi 20, sức xuân phơi phới, có thể gánh từ 90 – 120 kg đất đá/lượt.Nhiều lần đạt danh hiệu kiện tướng tại các kỳ thao diễn, bà An đã được kết nạp vào Đảng ngay tại công trường.

Ông Lê Đức Thịnh chia sẻ thêm: “Gần 4 năm thi công (từ tháng 10/1959 đến tháng 6/1963), công trình hồ Đại Lải đã được hoàn thành với diện tích mặt nước hơn 500 ha, dung tích hơn 30 triệu m3; hệ thống cống có đường kính từ 0,75m đến 1,8m và kênh dẫn nước dài tới 11km; đập xả lũ tràn rộng 32m. Hàng năm, hồ Đại Lải cung cấp nước tưới cho hơn 5.000 ha sản xuất nông nghiệp. Trong gần 4 năm làm việc cùng nhau, nhiều mối tình đẹp đã nảy nở, chính vợ chồng ông Thịnh cũng nên duyên từ đây. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông bà cùng về làm việc tại Nông trường Tam Đảo và lập nghiệp trên đất Minh Quang cho đến bây giờ. Trong ký ức của vợ chồng ông Thịnh, những ngày tháng có mặt trên công trình hồ Đại Lải vẫn mãi là những kỷ niệm đẹp nhất của tuổi thanh xuân.

Đã 60 năm trôi qua kể từ ngày ông Thịnh, ông Tỵ, bà An và đồng đội bổ những nhát cuốc đầu tiên xuống lòng hồ Đại Lải, giờ ai cũng đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, tóc bạc da mồi, sức khỏe yếu, nhưng, họ luôn tự hào về thời thanh xuân với sự nhiệt tình, tinh thần xả thân, không ngại khó khăn, gian khổ. Ghi nhận những đóng góp đó, tháng 5/2009, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận phiên hiệu TNXP xây dựng hồ Đại Lải. Đây không chỉ là nguồn cổ vũ, động viên lớn đối với lực lượng cựu TNXP còn sống được hưởng các chế độ của Đảng và Nhà nước, mà còn là niềm an ủi đối với những người đã khuất.

Báo Vĩnh Phúc